Bối cảnh Trận_Sedan_(1870)

Ngày 6 tháng 8 năm 1870, trong khi Tập đoàn quân số 3 của Đức do Thái tử Friedrich Wilhelm chỉ huy đè bẹp Quân đoàn I Pháp dưới quyền Thống chế Mac-MahonFrœschwiller-Wœrth ở hướng nam, các thành phần thuộc Tập đoàn quân số 1 và 2 Đức đánh thắng Quân đoàn II Pháp do Frossard chỉ huy ở Spicheren về phía bắc. Hai thất bại ban đầu này làm suy sụp tinh thần Tập đoàn quân Rhine do Hoàng đế Napoléon III trực tiếp chỉ huy và bắt đầu chia cắt các bộ phận quân chủ lực Pháp. Trước tình hình đó, ngày 7 tháng 8 năm 1870, Napoléon sai 3 quân đoàn I, V, VII rút về Châlons-sur-Marne để thành lập một tập đoàn quân do MacMahon chỉ huy, trong khi các quân đoàn II, III, IV, VI và Cận vệ Đế chế tập kết tại Metz, trước khi rút xuống Verdun và tới Châlons để hội quân với MacMahon. Đến ngày 12 tháng 8, Napoléon trao quyền tổng chỉ huy Tập đoàn quân Rhine cho Thống chế Bazaine ngày 12 tháng 8. Ngày 16 tháng 8, hai quân đoàn III và X Phổ giáng cho Tập đoàn quân Rhine một thất bại chiến lượcMars-la-Tour, chặn mất đường rút của Pháp xuống Verdun. Bazaine buộc phải sai quân quay trở lại Metz. Hai ngày sau (18 tháng 8), Vua Phổ Wilhelm I và Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke dốc toàn lực Tập đoàn quân số 1 và số 2 đánh Tập đoàn quân Rhine trên một trận tuyến kéo dài từ Gravelotte đến St. Privat-la-Montagne. Quân Pháp thua trận chạy vào pháo đài Metz.[2][10][12][13]

Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức, tướng Helmuth von Moltke

Khác với vua Wilhelm I, Moltke không dám chắc rằng chiến thắng Gravelotte và sự cô lập Tập đoàn quân Rhine trong khu vực Metz là thời điểm quyết định của cuộc chiến. Vì vậy, vào buổi sáng ngày 19 tháng 8 năm 1870, ông chuyển trọng tâm của mình sang đạo quân của MacMahon tại Châlons ở hướng tây. Được sự chấp thuận của đức vua, Moltke ra chỉ thị tách các Quân đoàn Vệ binh, IV và II từ Tập đoàn quân số 2 và để lại 4 quân đoàn còn lại của tập đoàn quân này ở Metz để phối hợp với Tập đoàn quân số 1 bao vây Tập đoàn quân Rhine. Từ ba quân đoàn kia, Moltke thành lập Tập đoàn quân Maas dưới sự thống lĩnh của Thái tử xứ SachsenAlbert. Sau khi nghỉ ngơi vào các ngày 19 và 20 tháng 8, Tập đoàn quân Maas và Tập đoàn quân số 3 đã xuất hành về phía tây vào ngày 21 để giải quyết cánh quân của MacMahon và dứt điểm chiến dịch đánh Pháp.[8][10]

Sau khi từ biệt Tập đoàn quân Rhine, Napoléon đến Châlons với MacMahon vào ngày 16 tháng 8. Tại đây, vào ngày 21 tháng 8, họ đã thành lập Tập đoàn quân Châlons gồm 14 vạn lính và 564 cỗ đại bác. Lực lượng của tập đoàn quân này bao gồm nòng cốt của các Quân đoàn I, V và VII, cùng với Quân đoàn XII mới được thành lập dưới quyền tướng Trochu, cộng thêm các tân binh và tiểu đoàn kho vừa được điều đến để bù đắp thiệt hại của quân Pháp trong các trận đánh ở biên giới trước đó, và 18 tiểu đoàn Vệ binh cơ động sông Seine. Trong khi đó, tại Paris, hung tin về những chiến bại ban đầu và sự mắc bẫy của Bazin ở Metz đã gây cho dư luận đau buồn và trở nên phẫn nộ. Niềm tin vào chính quyền Đế chế bị xuống dốc và các cuộc bạo động của phe cộng hòa bùng phát. Trước tình hình đó, Hoàng hậu EugénieBộ trưởng Chiến tranh Palikao liên tục đánh điện thúc giục Napoléon rằng ông ta không thể dẫn Tập đoàn quân Châlons về Paris như một vị hoàng đế bại trận, vì điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Đế chế. Trước áp lực của dư luận đòi giải nguy cho Bazaine, cộng thêm áp lực về sự cần thiết của một thắng lợi, MacMahon và Napoléon quyết định hành động. Rời Châlons, họ tiến quân đến Rheims và sau đó đến Montmédy trong một nỗ lực nhằm đi vòng sườn phía bắc của quân đội Moltke và giải vây cho Metz từ hướng tây bắc.[3][10][14]

Phía Đức truy bắt đối phương

Trong khi đó, vào ngày 23 tháng 8, các đạo quân của Moltke tiếp tục tiến về hướng tây, cánh phải tiến theo hướng Ste Ménéhould, cánh trái kéo về Vitry-le-François trong khi quân kỵ binh – nhất là của Tập đoàn quân số 3 – tiến xa lên phía trước. Hai pháo đài lớn VerdunToul nằm chắn đường tiến của quân Đức, nhưng không thể trì hoãn đáng kể bước tiến của quân Đức. Với quân số dồi dào, vị tướng Phổ có thừa binh lực để chia quân ra phong tỏa hai pháo đài đồng thời cử công binh xây dựng các đoạn đường vòng và thậm chí là đường sắt, như ở Metz. Khó khăn cơ bản của Moltke trong cuộc tiến quân của mình nằm ở việc ông chưa xác định được vị trí của đối phương. Trong ngày 23 tháng 8, phía Đức được báo cáo là quân địch đã rời Châlons. Ngày 24 tháng 8, Trung đoàn Long kỵ binh Rhein (Sư đoàn Kỵ binh số 4) đã phát hiện doanh trại Mourmelon bị bỏ trống của MacMahon ở Châlons và tìm thấy một số lượng lớn quân trang, quân dụng mà quân Pháp bỏ lại. Hoạt động của kỵ binh Phổ đã chứng thực thông tin đang được đưa tới Moltke từ một bản doanh khác rằng MacMahon đã rút xuống Rheims.[15]

Thái tử Friedrich của Phổ (phải) và Thái tử Albert của Sachsen (trái, đội mũ sắt Pickelhaube) tại Sedan.

Nhưng Bộ Tổng Chỉ huy của vua Phổ ở Bar-le-Duc vẫn chưa nắm được mục đích của MacMahon. Họ đặt giả định đây là một mưu đồ của viên Thống chế hòng yểm trợ Paris. Tham mưu trưởng Tập đoàn quân số 3, Blumenthal, nhận định đây là một cuộc hành quân điển hình nhằm thiết lập một vị trí trên sườn của tuyến hành quân của đối phương. Bộ Tổng chỉ huy cũng đặt ra một khả năng rằng áp lực chính trị buộc MacMahon phải đem quân đi cứu Bazaine, song Moltke vẫn chưa dám chắc. Các mệnh lệnh mà ông ban bố ngày 25 tháng 8 đã yêu cầu thực hiện nhiều cuộc trinh sát về phía bắc, đồng thời hình dung khả năng chia một đạo quân tiến về Rheims, song vẫn không thay đổi hướng tiến quân của quân đội Đức. Phải đến đêm ngày 24 tháng 8 thì Bộ Tổng chỉ huy Đức mới có được những tin tức rõ ràng hơn: đó là một bản thông điệp từ Luân Đôn được viết dựa trên ghi nhận của báo giới Paris, theo đó MacMahon đang ở Rheims và "gắng sức hội quân" với Bazaine. Nhưng thông tin này vẫn chưa đủ để Moltke thay đổi hoàn toàn hướng tiến quân của mình. Các mệnh lệnh mà ông ban bố ngày 2526 tháng 8 quy định các tập đoàn quân nhỉnh hướng hành quân sang phía bắc, tiến về phía Rheims thay vì Châlons. Quân kỵ binh được lệnh thám sát xa về phía tây-bắc; và, nếu không có mệnh lệnh nào, quân Đức sẽ dừng bước trên tuyến Vitry-le-François - Ste Ménéhould ngày 27 tháng 8.[8][15]

Thông tin mà Moltke chờ đợi cuối cùng cũng đến vào buổi chiều ngày 25 tháng 8. Các tờ báo Pháp tiết lộ bí mật bằng việc đăng các bài phát biểu của Hội đồng Quốc gia Pháp, theo đó nước Pháp sẽ bị thóa mạ nếu như Bazaine bị đồng cấp của mình bỏ rơi tại Metz. Thêm vào đó, một bản điện báo gửi đến từ Luân Đôn, trích dẫn báo Le Temps của Paris ngày 23 tháng 8, cho biết MacMahon đã thình lình quyết định điều gấp quân đi cứu Bazaine, mặc dù việc bỏ lửng con đường đến Paris đặt sự an nguy của nước Pháp vào tình trạng bị đe dọa. Trước đêm, Vua Wilhelm I của Phổ chấp thuận thay đổi hướng hành quân và trong đêm hôm đó ông lần lượt ban bố mệnh lệnh đổi hướng cho các quân đoàn dưới quyền.[8] Với ưu thế về quân số và tinh thần, các lực lượng của Moltke quay ngoặt theo hướng tây-bắc[10]. Vào ngày 27 tháng 8, kỵ binh Đức đánh bại quân Pháp trong trận đánh lẻBuzancy. Đến ngày 29 tháng 8, Quân đoàn XII Sachsen bắt kịp và đánh thắng một toán lính của Quân đoàn V Pháp ở Nouart. Hôm sau, Quân đoàn V bị Quân đoàn I Bayern và Quân đoàn XII Sachsen đập tan trong trận Beaumont.[16][17] MacMahon bị buộc phải sai các chỉ huy quân đoàn dưới quyền triệt binh về pháo đài Sedan.[15]

Chính phủ Pháp vốn trước đó đã quyết định huyền chức viên tướng chỉ huy Quân đoàn V là De Failly. Công chúng Paris căm phẫn trước thái độ thụ động của ông này trong hai trận Frœschwiller-Wœrth và Spicheren đến mức mà Hoàng hậu phải thỉnh cầu Napoléon III đưa ra "một quyết định quan trọng, dù rối rắm". Palikao đề cử De Wimpffen, Thống đốc OranAlgérie và là một tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm, thế chức Failly. Hoàng đế chấp thuận và Wimpffen đến Paris vào ngày 28 tháng 8. Tại đây, ông thảo luận với Palikao và được nghe những lời than phiền của vị Bộ trưởng Chiến tranh về ảnh hưởng tai hại mà sự thân chinh của Hoàng đế gây cho Tập đoàn quân Châlons. Sáng hôm sau, trước khi Wimpffen lên xe lửa đến Rethel để nhậm chức, một thông điệp được gửi đến từ Bộ Chiến tranh Pháp với nội dung: "Nếu có rủi ro nào xảy ra với MacMahon, ông sẽ được lãnh quyền chỉ huy các lực lượng hiện giờ nằm dưới sự điều khiển của ông ấy". Ra đến mặt trận, Wimpffen nhìn thấy quân đội Pháp đang rút lui trong hỗn loạn trên đoạn đường giữa Sedan và Carignan.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Sedan_(1870) http://www.archive.org/stream/menwhohavemaden02str... http://www.gutenberg.org/files/36209/36209-h/36209... http://books.google.com.vn/books?id=0ogtpG0eCl4C&p... http://books.google.com.vn/books?id=7yzQAgAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=T6xZ05jS3CgC&p... http://books.google.com.vn/books?id=VUgrKzXMdVEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=YlRZXtADx7MC&p... http://books.google.com.vn/books?id=ZcnNnXtZUuwC&p... http://books.google.com.vn/books?id=axL0Akjxr-YC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p...